Chỉ số HBsAg là gì?

Viêm gan B có thể tiến triển thành suy gan, xơ gan hay thậm chí là ung thư gan. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xét nghiệm HBsAg chính là một trong những phương pháp quan trọng nhất để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác về khả năng mắc viêm gan B.

1. Xét nghiệm HBsAg là gì?

HBsAg là từ viết tắt của Hepatitis B surface Antigen – kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Đây là một trong nhiều kháng nguyên của virus viêm gan B do Blumberg tìm thấy trong huyết thanh người. Xét nghiệm HBsAg là một trong 5 hạng mục cơ bản của xét nghiệm viêm gan B. Kết quả thu được từ việc xét nghiệm máu sẽ cho biết người tham gia kiểm tra có nhiễm siêu vi B hay không.

2. Cách đọc kết quả xét nghiệm HBsAg

Xét nghiệm HBsAg sẽ cho ra kết quả định tính nghĩa là người được làm xét nghiệm sẽ nhận được kết quả là âm tính hoặc dương tính. Kết quả về chỉ số HBsAg sẽ thể hiện rõ trong cơ thể bệnh nhân có siêu vi B hay không.

2.1 Xét nghiệm HBsAg dương tính là gì?

Xét nghiệm HBsAg dương tính hay (+) có nghĩa là trong huyết thanh của người bệnh đang có kháng nguyên này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh đã từng hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan B.

Thời gian ủ bệnh của người nhiễm virus viêm gan B dao động từ 45- 160 ngày, trung bình là 120 ngày. Trong trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch tốt thì HBsAg sẽ giảm dần và biến mất sau khoảng 4 – 6 tháng. Lúc này, cơ thể chúng ta hoàn toàn khỏi bệnh và có miễn nhiễm suốt đời với viêm gan B mà không cần phải tiêm ngừa. Ngược lại, với những người có hệ miễn dịch kém thì HbsAg có thể không mất đi mà tiếp tục phát triển sau 6 tháng. Lúc này, người bệnh đã nhiễm siêu vi B mạn tính.

Chỉ có khoảng 10 – 15% người xét nghiệm HBsAg (+) rơi vào trường hợp mang mầm bệnh mãn tính. Trong đa số trường hợp khác, viêm gan B sẽ tự khỏi mà không cần điều trị đáng kể. Trong số những người mang mầm bệnh viêm gan B mạn tính cũng chỉ có số ít chuyển thành viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan. Vì vậy, người bệnh không nên quá lo lắng.

2.2 Xét nghiệm HBsAg âm tính là gì?

Xét nghiệm HBsAg âm tính nghĩa là bạn không bị nhiễm virus Viêm gan B. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là bạn hoàn toàn chủ quan mà thay vào đó, bạn và gia đình nên thực hiện tiêm vacxin để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

3. Nên làm gì sau khi xét nghiệm HBsAg?

Tuy có thể dựa vào chỉ số HBsAg để biết được bản thân có nhiễm virus viêm gan B hay không nhưng để biết rõ tình trạng hoạt động của virus, mức độ lây lan như thế nào,… thì người bệnh cần phải làm thêm các xét nghiệm HBeAg, đếm tải lương HBV DNA, siêu âm, đánh giá chức năng gan… Việc này giúp bác sĩ đánh giá tổng quan về mức độ tổn thương gan ở bệnh nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.

Khi được chẩn đoán nhiễm viêm gan B, người bệnh cần ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, thực hiện các biện pháp an toàn, tránh lây nhiễm virus cho những người xung quanh. Đồng thời, bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm, tái khám định kỳ để biết được tình trạng bệnh và nhận tư vấn có nên điều trị bệnh hay không của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Mục đích của việc điều trị viêm gan B mạn tính là loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện vì cần áp dụng nhiều phác đồ điều trị tốn kém trong khi hiệu quả chỉ đạt khoảng 25 – 40%. Do vậy, việc điều trị virus viêm gan B chủ yếu là ức chế sự nhân lên của virus,, không cho chúng phát triển và gây tổn hại các tế bào gan lành. Song song với đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần áp dụng một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, tránh các hóa chất gây hại cho gan như rượu, bia, các loại thuốc giảm đau,… để đạt hiệu quả trị bệnh tối đa.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *