Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) như một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng tổng thể cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
PrEP là gì?
PrEP – là viết tắt của từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis), có nghĩa là dự phòng trước phơi nhiễm HIV và điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) đối với người chưa nhiễm HIV để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.
Ai nên sử dụng PrEP?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, PrEP phù hợp với mọi đối tượng chưa nhiễm HIV mà có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP uống hằng ngày có hiệu quả với các nhóm:
- Nam quan hệ tình dục đồng giới;
- Người chuyển giới nữ;
- Người tiêm chích ma túy;
- Phụ nữ bán dâm;
- Vợ, chồng, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV;
- Những người tiếp tục có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sau khi đã được điều trị sau phơi nhiễm HIV (PEP).
- PrEP uống theo tình huống chỉ được chỉ định với nhóm MSM có quan hệ qua đường hậu môn.
Phân loại PrEP
PrEP được chia làm 2 loại: PrEP uống hàng ngày và PrEP tình huống.
PrEP uống hằng ngày được sử dụng cho các nhóm đối tượng sau:
- Những người có HIV âm tính và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, bao gồm: MSM, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, gái mại dâm và người quan hệ tình dục khác giới có nguy cơ cao.
- Vợ, chồng, bạn tình của người có HIV: Chi định dùng PrEP nếu chồng, vợ bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc mới điều trị dưới 6 tháng hoặc đang điều trị mà tải lượng vi rút còn ở mức trên 200 bản sao/ml. Không cần chỉ định PrEP khi xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV < 200 bản sao/ml và tuân thủ tốt.
- Những người gần đây đã sử dụng PEP sau khi phơi nhiễm qua đường tình dục hoặc tiêm chích.
- Những người yêu cầu sử dụng PrEP mà không có chỉ định rõ ràng khác.
PrEP tình huống (ED-PrEP) chỉ sử dụng cho người nam quan hệ tình dục đồng giới:
- Có quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Không có quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
- Không bị viêm gan B.
- Có quan hệ không quá 2 lần/tuần.
- Chủ động được thời gian quan hệ tình dục.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, những quần thể có nguy cơ lây nhiễm HIV cao được định nghĩa là nếu không sử dụng PrEP thì có tỷ lệ nhiễm mới là 3 người trở lên trong 100 người trong một năm.
Lợi ích của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)
Hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ của người sử dụng. Trong các thử nghiệm lâm sàng với các nhóm đối tượng khác nhau, như MSM, người chuyển giới nữ, người âm tính với HIV của các cặp dị nhiễm, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy đều chứng minh điều này. Nhìn chung, nếu tuân thủ tốt, PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV.
Thời gian hiệu quả bảo vệ tối đa của PrEP khác nhau giữa PrEP uống hằng ngày và PrEP uống theo tình huống và khác nhau với các nhóm đối tượng khách hàng.
Nhóm MSM
- Với nhóm MSM chỉ quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nếu họ sử dụng liều hằng ngày, mỗi ngày một viên, thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được khi họ đã sử dụng liên tục 7 ngày liền; nếu họ dùng liều tải (2 viên liền) trong ngày đầu tiên, thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được trong vòng 2 đến 24 giờ sau khi uống liều tải.
- Sau khi ngừng quan hệ tình dục qua đường hậu môn, MSM chỉ cần dùng thêm 2 liều PrEP trong hai ngày kế tiếp là đủ hiệu lực dự phòng.
- Nếu họ sử dụng PrEP theo tình huống, họ cần uống liều tải 2 viên 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn và uống tiếp viên thứ 3 sau giờ uống liều đầu và uống tiếp viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ hai.
Nhóm đối tượng khác
- Với các nhóm đối tượng khác, bao gồm chuyển giới nữ, chuyền giới nam, người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm, họ cần uống PrEP mỗi ngày một viên liên tục và đủ 21 liều mới có tác dụng bảo vệ.
- Trước khi dừng sử dụng PrEP, họ cần uống tiếp đến hết ngày 28 sau lần phơi nhiễm cuối cùng.
Thuốc PrEP có an toàn không?
PrEP an toàn với mọi người kể cả phụ nữ mang thai. Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu… Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau ít ngày sử dụng. Cần trao đổi với bác sỹ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Liên hệ tư vấn hỗ trợ điều trị HIV tại nhà
- Chuyên đề nghiên cứu và phổ cập kiến thức điều trị bệnh truyền nhiễm (HIV, Viêm gan virus A,B,C…)
- Địa chỉ: Số 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội
- Dược sĩ Thủy: 0865521080 (telegram)
- Dược sĩ Hải: 0869191080 (zalo)
- Website: Benhtruyennhiem.com