Hội chứng viêm phục hồi miễn dịch là gì?
Hội chứng viêm phục hồi miễn dịch (PHMD) là biểu hiện tình trạng lâm sàng của người nhiễm HIV xấu đi một cách bất thường sau khi bắt đầu điều trị ARV do có sự phục hồi của hệ miễn dịch. Bản chất của hội chứng viêm PHMD là đáp ứng viêm quá mức của hệ miễn dịch vừa được phục hồi với các tác nhân vi sinh vật đang tồn tại trong cơ thể hoặc kháng nguyên còn lại của các tác nhân này.
Các biểu hiện của hội chứng viêm phục hồi miễn dịch có thể bao gồm:
– Xuất hiện các bệnh NTCH chưa phát hiện được trước khi điều trị ARV như lao, MAC, viêm màng não do cryptococcus, v.v…(Hội chứng viêm PHMD bộc lộ).
– Sự tái phát quá mức các bệnh NTCH đã được điều trị trước khi bắt đầu ARV (Hội chứng viêm PHMD nghịch lý).
– Sự tái phát của các bệnh đồng nhiễm (viêm gan B, viêm gan C) và các bệnh tự miễn (vảy nến, viêm da, v.v..). Hội chứng viêm PHMT thường xuất hiện sau 2-12 tuần bắt đầu điều trị ARV nhưng có thể muộn hơn.
Tần suất xuất hiện và yếu tố nguy cơ
Hội chứng viêm phục hồi miễn dịch gặp ở khoảng 10% số người bệnh được điều trị ARV.
Các yếu tố liên quan tới tần suất hội chứng viêm PHMD bao gồm:
– Số tế bào CD4 thấp trước khi bắt đầu điều trị ARV.
– Thường gặp hơn ở người mắc HIV tiến triển và có tiền sử mắc các NTCH trước điều trị ARV.
– Sử dụng phác đồ ARV có thuốc ức chế protease tăng cường bằng ritonavir.
Để dự phòng hội chứng viêm PHMD người bệnh cần được sàng lọc các bệnh NTCH trước khi bắt đầu điều trị ARV, đặc biệt là sàng lọc và điều trị bệnh lao.
Các biểu hiện của hội chứng viêm phục hồi miễn dịch
Các bệnh NTCH và các bệnh không nhiễm trùng liên quan đến hội chứng viêm PHMD:
– Các bệnh do Mycobacteria: lao (là biểu hiện hay gặp nhất), bệnh do phức hợp Mycobacterium avium (MAC).
– Hội chứng viêm PHMD do BCG có thể gặp ở trẻ tiêm vắc xin BCG sau điều trị ARV: Bệnh BCG tại chỗ hoặc lan tỏa.
Các bệnh nấm: bệnh do C. neoformans, T. marneffei, P. jiroveci
– Vi rút: bệnh do CMV, Herpes simplex, Herpes zoster, viêm gan vi rút B và C, viêm não chất trắng đa ổ tiến triển.
– Bệnh do ký sinh đơn bào: viêm não do Toxoplasma, bệnh do Leishmania
– Các bệnh không nhiễm trùng: vảy nến, viêm tuyến giáp trạng.
Chẩn đoán hội chứng viêm phục hồi miễn dịch
Chẩn đoán hội chứng viêm phục hồi miễn dịch trên lâm sàng khi người bệnh bắt đầu điều trị ARV và tuân thủ điều trị nhưng lâm sàng xấu đi, nhất là trên người bệnh được điều trị ARV giai đoạn muộn, có CD4 thấp hoặc có bệnh NTCH trước điều trị.
Có hai dạng hội chứng viêm phục hồi miễn dịch:
– Hội chứng viêm PHMD nghịch lý: người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội trước hoặc cùng thời điểm bắt đầu điều trị ARV, nhưng biểu hiện lâm sàng của bệnh nhiễm trùng cơ hội xấu đi.
– Hội chứng viêm PHMD bộc lộ: xuất hiện bệnh nhiễm trùng cơ hội sau điều trị ARV mà trước đó không có biểu hiện lâm sàng
Có hai dạng hội chứng viêm PHMD:
– Hội chứng viêm PHMD nghịch lý: người bệnh đã được chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội trước hoặc cùng thời điểm bắt đầu điều trị ARV, nhưng biểu hiện lâm sàng của bệnh nhiễm trùng cơ hội xấu đi.
– Hội chứng viêm PHMD bộc lộ: xuất hiện bệnh nhiễm trùng cơ hội sau điều trị ARV mà trước đó không có biểu hiện lâm sàng.
Xử trí hội chứng viêm phục hồi miễn dịch
– Một số hội chứng viêm phục hồi miễn dịch diễn biến nhẹ và tự khỏi, không cần can thiệp.
– Tiếp tục điều trị ARV nếu người bệnh vẫn dung nạp được thuốc.
– Tiếp tục điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội trước đó hoặc bắt đầu điều trị các nhiễm trùng cơ hội mới; điều chỉnh phác đồ ARV và liều ARV nếu có tương tác giữa các thuốc ARV và các thuốc điều trị NTCH.
– Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (diclophenac, ibuprofen …) nếu không có chống chỉ định.
– Điều trị corticosteroid: prednisolone hoặc methylprednisolone uống hoặc tiêm, liều 0,5mg/kg/ngày trong 5 – 10 ngày cho người có hội chứng viêm PHMD mức độ trung bình đến nặng.
– Chỉ ngừng điều trị ARV nếu tình trạng nặng và không dung nạp thuốc.
– Chỉ định các can thiệp khác nếu cần, ví dụ dẫn lưu hạch hoá mủ, ổ ap-xe, phẫu thuật giảm chèn ép trong trường hợp tắc ruột hoặc chèn ép khí quản.