3tc

3TC là thuốc gì?

Thuốc 3TC hay còn gọi là Lamivudine là một loại thuốc trong nhóm ARV, có tác dụng ngăn chặn diễn tiến của virus HIV, từ đó kéo dài khoảng thời gian tiến tới AIDS. Để biết được cơ chế tác động của thuốc 3TC ra sao và cách sử dụng thuốc như thế nào, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.

1. Tác dụng của nhóm thuốc NRTI

Các NRTI ức chế enzym sao chép ngược bằng cách gắn các nucleic giả vào ADN của virus mới được tạo thành, làm dây ADN đó không thể kéo dài. Cụ thể, các NRTI là dẫn xuất của pyrimidin hoặc purin khi được hoạt hóa (bởi enzym của virus) sẽ trở thành dạng 5’-triphosphat cạnh tranh với enzym sao chéo ngược trong chuỗi ADN của virus làm ngừng kéo dài chuỗi ADN này.

2. Tác dụng của thuốc điều trị HIV 3TC

Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của virus HIV. Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng ức chế virus viêm gan B.

Mặc dù thuốc có tính dung nạp tốt, nhưng việc kháng thuốc xuất hiện tương đối nhanh: chỉ 1 đột biến điểm (M184V) là đủ để gây kháng thuốc. Tuy nhiên, đột biến này lại có thể làm tăng độ nhạy của các virus kháng AZT và làm giảm khả năng nhân bản của virus.

3. Chỉ định sử dụng thuốc 3TC

Khi bị nhiễm virus HIV, nếu dùng thuốc 3TC thường sẽ phải dùng kết hợp với ít nhất một thuốc dideoxynucleosid ức chế enzym phiên mã ngược (NRTI) khác, thường kết hợp với zidovudin hoặc stavudin.

Thận trọng

Ở trẻ em có tiền sử viêm tụy hoặc có yếu tố nguy cơ phát triển viêm tụy, khi dùng kết hợp thuốc 3TC và zidovudine phải theo dõi chặt chẽ. Khi có những dấu hiệu lâm sàng, hoặc kết quả xét nghiệm khác thường nghi là viêm tụy, cần phải ngừng thuốc ngay. Người thân hoặc người trông nom trẻ em nhiễm HIV nên tìm hiểu về những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tụy.

Ở người bị suy chức năng thận, trẻ dưới 12 tuổi và thiếu niên cân nặng dưới 50 kg, không dùng chế phẩm kết hợp cố định chứa thuốc 3TC và zidovudin, vì không thể hiệu chỉnh riêng từng thuốc. Chống chỉ định thuốc cho bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc hay có bệnh thận nặng.

Đặc biệt, người bệnh vẫn phải được theo dõi và chăm sóc liên tục. Ngoài ra, thuốc không làm giảm nguy cơ lây truyền HIV, do đó người bệnh vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp phòng tránh y nhiễm.

4. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc 3TC

Các tác dụng phụ hay gặp là:

  • Nhức đầu, mất ngủ, khó chịu, mệt mỏi, đau, chóng mặt, trầm cảm, sốt, rét run.
  • Buồn nôn, nôn, ỉa chảy, chán ăn, đau bụng, khó tiêu, tăng amylase.
  • Bệnh dây thần kinh ngoại biên, dị cảm, đau cơ, đau khớp.
  • Phát ban.
  • Giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu.
  • Tăng men gan AST, ALT.

Ngoài ra, cũng có thể có các tác dụng phụ, tuy nhiên ít gặp hơn: viêm tụy, giảm tiểu cầu hay tăng bilirubin huyết.

Xử trí khi xuất hiện tác dụng phụ

Phải ngừng thuốc ngay nếu có những dấu hiệu lâm sàng, triệu chứng, hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy có thể xảy ra viêm tụy, hoặc các tác dụng phụ diễn tiến rầm rộ.

5. Liều lượng và cách dùng thuốc 3TC

Bao giờ cũng phải dùng 3TC kết hợp với ít nhất một thuốc kháng retrovirus, thường kết hợp với zidovudin hoặc stavudin.

Cách dùng

3TC hay chế phẩm kết hợp cố định chứa 3TC và zidovudin được dùng uống, không cần lưu ý đến các bữa ăn, Với người bệnh điều trị bằng thuốc kháng retrovirus, phải thường xuyên theo dõi, khám định kỳ để phòng ngừa độc tính của thuốc và xác định tiến triển của bệnh, qua đó có thể thực hiện những thay đổi trong cách dùng thuốc nếu cần. Duy trì liều lượng tối ưu có tính quyết định, để tránh hoạt tính kháng retrovirus dưới mức tối ưu sẽ không có tác dụng kiềm hãm virus thật sự.

Quá liều và cách xử trí

Có rất ít thông tin về quá liều, mặc dù khi quá liều, thường sẽ không thấy rõ các dấu hiệu hoặc triệu chứng lâm sàng, nhiều khi xét nghiệm máu vẫn bình thường. Cách xử trí tương tự các phương pháp hồi sức chống độc thông thường.

Các điều cần lưu ý khi dùng thuốc

  • Sự tuân thủ (dùng thuốc đều đặn, đúng và đủ).
  • Cách xử trí khi bạn bỏ lỡ một liều thuốc.

Nếu bạn quên uống một liều, cần uống thuốc ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu lúc bạn nhớ ra cũng là thời điểm bạn phải uống liều kế tiếp, thì bạn không uống hai liều cùng một lúc để bù đắp cho liều đã quên. Tốt nhất, bạn nên gặp bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *