AIDS là gì?

AIDS được hiểu là giai đoạn cuối của nhiễm HIV. Người bệnh khi bị AIDS thì khả năng miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng và khả năng mắc các bệnh cơ hội là rất cao. Vậy AIDS là gì? Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về hội chứng suy giảm miễn dịch HIV (AIDS) và những lý do bị AIDS.

AIDS là gì?

AIDS (Acquired ImmunoDeficiency Syndrome) là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Đây là giai đoạn cuối sau khi nhiễm HIV được gây nên bởi virus HIV (Human ImmunoDeficiency Virus). Ở giai đoạn AIDS, số lượng tế bào Lympho T-CD4 trong cơ thể ít dưới dưới 200 tế bào/mcL do HIV đã tấn công mạnh mẽ vào các tế bào này. Hệ quả là hệ miễn dịch của người bệnh bị tổn thương nặng nề và không còn khả năng chống lại các bệnh lý mà lúc khỏe có thể chống chịu được.

Một người được xác định là bị AIDS nghĩa là người đó đã nhiễm HIV giai đoạn cuối. Có thể hiểu, AIDS không phải là bệnh có thể lây truyền trực tiếp mà là kết quả của quá trình nhiễm HIV kéo dài và không được điều trị hiệu quả. AIDS là giai đoạn nghiêm trọng nhất và đến nay vẫn chưa có bất kỳ phương thuốc chữa trị nào. Nguy cơ tử vong ở giai đoạn này là rất cao do dễ mắc các bệnh ung thư, lao phổi, và nhiễm trùng cơ hội.

Mặc dù khoa học y tế đã tiến bộ vượt trội, nhưng các biện pháp điều trị bằng thuốc kháng virus ARV hiện nay chỉ có tác dụng kiểm soát HIV. Các loại thuốc này chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển thành AIDS, cũng như nhằm mục đích kéo dài tuổi thọ bệnh nhân.

Bệnh AIDS nguy hiểm như thế nào?

Hệ quả mà AIDS để lại cho người bệnh là cực kỳ nặng nề. Về cơ bản, hệ miễn dịch hoạt động như một lá chắn bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây hai. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu bởi HIV nghĩa là cơ thể rất dễ bị tổn thương trước các bệnh lý hoặc nhiễm trùng cơ hội. Những bệnh lý này có thể trở nên cực kỳ nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong.

Có thể nhìn nhận AIDS như là một biến chứng nguy hiểm của HIV – là tập hợp của nhiều bệnh tấn công khi hệ miễn dịch đã suy yếu. Một người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ cao mắc các biến chứng gồm: Nhiễm trùng cơ hội, ung thư, hội chứng suy nhược mãn tính, và các biến chứng thần kinh.

Nhiễm trùng cơ hội

Đây là tên gọi chung của những bệnh nhiễm trùng có thể “đồng nhiễm” với HIV/AIDS, bao gồm cả những bệnh nhẹ mà cơ thể có thể chống lại khi khỏe mạnh. Những bệnh này có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng đến đa cơ quan, có khả năng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Lao phổi là một biến chứng nguy hiểm khi bị AIDS.
  • Lao phổi: Bệnh lao đồng nhiễm là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các bệnh nhân HIV/AIDS. Triệu chứng nguy hiểm thường là tổn thương nhu mô phổi, tràn khí màng phổi tự phát, có tràn dịch…
  • Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii: Một dạng viêm phổi phổ biến ở người mắc AIDS. Bệnh gây khó thở, sốt, mệt mỏi, và tổn thương phổi nặng.
  • Nhiễm trùng nấm Cryptococcus: Ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương dẫn đến tổn thương phổi, da, và não. Nặng nhất là viêm phổi và viêm màng não.
  • Nhiễm trùng nấm Candida: Làm tổn thương miệng, thực quản, niêm mạc, nhiễm nấm máu, và nhiễm trùng khu trú tại nhiều vị trí trên cơ thể. Người bệnh có thể bị xuất huyết võng mạc, giảm bạch cầu trung tính, và nhiễm trùng mắt.
  • Nhiễm trùng Toxoplasma gondii: Gây tổn thương não dẫn đến viêm não. Triệu chứng phổ biến là hôn mê, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, xuất huyết não, tai biến mạch máu não…

Ngoài ra, người bị AIDS còn có nguy cơ rất cao nhiễm các bệnh xã hội khác như lậu, giang mai, và sùi mào gà. Nguyên nhân do hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện để virus và vi khuẩn dễ dàng tấn công.

Ung thư

Những người mắc AIDS có nguy cơ cao hơn bị các loại ung thư như ung thư hạch không Hodgkin và ung thư cổ tử cung. Hệ miễn dịch suy yếu không thể kiểm soát được sự phát triển bất thường của tế bào, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc các loại ung thư này.

  • Ung thư hạch không Hodgkin: Một loại ung thư của hệ bạch huyết, có thể ảnh hưởng đến não, tủy sống, gan, và nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
  • Ung thư cổ tử cung: Bệnh xảy ra ở phụ nữ mắc HIV/AIDS do nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Ung thư thường gây gây chảy máu vùng kín bất thường, đau bụng dưới, và có thể suy giảm chức năng sinh sản.

Một biến chứng ung thư hiếm gặp ở người bệnh AIDS là ung thư Kaposi Sarcoma. Đây là một loại ung thư liên quan đến virus herpes ở người (HHV-8), thường gây tổn thương da, phổi, và đường tiêu hóa. Nếu không được kiểm soát tốt, ung thư Kaposi Sarcoma sẽ lan rộng đến các nội tạng như phổi, gan, hoặc hệ tiêu hóa. Bệnh sẽ gây chảy máu, khó thở, và suy giảm chức năng đa cơ quan, nặng nhất là dẫn đến tử vong.

Hội chứng suy nhược mãn tính

Chronic wasting syndrome, hay hội chứng suy nhược mãn tính, là một tình trạng suy kiệt nghiêm trọng của cơ thể. Biến chứng này khiến người bệnh bị giảm cân đột ngột, mất đi khối lượng lớn cơ, cùng với các triệu chứng mãn tính như tiêu chảy, sốt kéo dài, và mệt mỏi không kiểm soát. Sự suy nhược này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và góp phần làm tăng nguy cơ tử vong do các biến chứng khác.

Biến chứng thần kinh

Sa sút trí tuệ do AIDS là biến chứng nguy hiểm nhất. Hội chứng là sự suy giảm nhận thức mãn tính và không thể được chữa trị khỏi bệnh. Người bệnh có nhiều triệu chứng như suy nghĩ chậm, thờ ơ, và khó tập trung. Các cử động chậm và thường biểu hiện rõ sự yếu cơ.

Bệnh cũng cho thấy sự tổn thương ở hệ thần kinh ngoại biên. Các dấu hiệu bất thường có thể là co cứng chi dưới, bại liệt, hoặc đôi khi là rối loạn tâm thần. Khi hệ thần kinh bị tổn thương nặng nề sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động và làm giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.

Dấu hiệu và triệu chứng bị AIDS

Triệu chứng bệnh AIDS cũng là triệu chứng do nhiễm HIV nhưng ở mức độ trầm trọng hơn. Chúng thường lặp đi lặp lại và chuyển biến nặng dần theo thời gian. Các triệu chứng bị AIDS phổ biến bao gồm:

  • Sốt cao kéo dài, thường trên 38 độ C và không rõ nguyên nhân.
  • Sụt cân nghiêm trọng, mất hơn 10% trọng lượng cơ thể.
  • Tiệu chảy nặng, kéo dài hơn 1 tháng.
  • Đổ mồ hôi đêm, nổi hạch và ngứa da toàn thân.
  • Mệt mỏi, đau nhức cơ thể kéo dài dẫn đến suy nhược và kiệt sức.
  • Mất ngủ, mất khả năng tập trung.
  • Ho và viêm họng nặng, gây khó khăn trong việc thở, ăn uống, và nói chuyện.
  • Viêm loét bộ phận sinh dục ở cả nam và nữ.
  • Nấm miệng xuất hiện ở khoang miệng, họng, và lưỡi với nhiều mảng trắng và vết lở loét.

Ngoài ra, còn có những triệu chứng do nhiễm trùng cơ hội, ung thư, suy nhược mãn tính, và các biến chứng thần kinh. Người bệnh có những biểu hiện ở nhiều cơ quan khác như tràn dịch phổi, nhiễm trùng mắt, xuất huyết võng mạc, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não…

Nguyên nhân bị AIDS và con đường lây truyền bệnh

Bệnh AIDS có nguyên nhân lây bệnh chủ yếu qua đường máu và quan hệ tình dục (QHTD). Người mắc bệnh AIDS là do trước đó đã nhiễm HIV mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

  • Tỷ lệ lây qua đường máu là 100% bởi virus tồn tại chủ yếu trong máu và có thể đi vào cơ thể người lành qua các vết xây xát có chảy máu.
  • Nếu quan hệ không an toàn với người nhiễm bệnh thì có nguy cơ cao lây bệnh do virus có thể tồn tại trong dịch tiết cơ thể như tinh dịch, dịch âm đạo.

Trong nhiều trường hợp điều trị HIV với thuốc kháng virus ARV, nhưng vẫn có khả năng chuyển biến thành AIDS. Bởi thuốc chỉ có tác dụng trì hoãn tiến triển của HIV mà không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Đối tượng có nguy cơ cao bị AIDS

Dựa vào con đường truyền bệnh thì có những đối tượng dễ nhiễm bệnh AIDS như sau:

  • QHTD không sử dụng biện pháp bảo vệ.
  • QHTD đường miệng, dương vật, hậu môn, và âm đạo.
  • QHTD đồng giới nam – nam.
  • QHTD với người mắc bệnh xã hội như lậu, giang mai, sùi mào gà…
  • Sử dụng chung vật dụng sắc nhọn dễ gây chảy máu với người nhiễm bệnh như kim tiêm, dao cạo râu…
  • Tham gia các hoạt động tiêm chích ma túy, mại dâm…

Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác làm tăng tỷ lệ mắc bệnh AIDS như:

  • Đang điều trị HIV nhưng tự ý ngưng điều trị, tái khám không đúng lịch.
  • Điều trị không đúng phương pháp hoặc tự ý thay đổi liệu trình điều trị.
  • Tham gia hiến tạng, cấy ghép mô, hoặc truyền máu từ người nhiễm HIV/AIDS.
  • Chăm sóc người bị AIDS mà không thực hiện biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh AIDS

Xét nghiệm tế bào miễn dịch là phương pháp phổ biến giúp xác định một người nhiễm HIV đã tiến triển đến AIDS hay chưa. Điều này được thực hiện thông qua đếm số lượng tế bào CD4 trong máu để đánh giá mức độ suy yếu của hệ miễn dịch. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các xét nghiệm khác như chụp X-quang để đánh giá tổn thương các cơ quan do biến chứng.

Một người được xác định AIDS khi có một hoặc nhiều đặc điểm như sau:

  • Số lượng tế bào Lympho T CD4+ dưới 200/mcL.
  • Tỷ lệ tế bào Lympho T CD4+ ≤ 14% tổng số tế bào Lympho.
  • Mắc một hoặc nhiều biến chứng xác định bệnh AIDS: Nhiễm trùng cơ hội, ung thư do khiếm khuyết đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào, hội chứng suy mòn, và rối loạn chức năng thần kinh.

Việc điều trị giai đoạn AIDS sẽ dựa trên chương trình điều trị ARV (Antiretroviral Therapy). Đây là một liệu pháp điều trị AIDS tổng hợp sử dụng nhiều loại thuốc kháng virus để kiểm soát sự nhân lên của virus. Chương trình điều trị ARV gồm ít nhất ba loại thuốc từ hai hoặc ba nhóm khác nhau, thường là các nhóm:

  • NRTI (Nucleoside Reverse Transcriptase Inhibitors): Ngăn chặn virus HIV nhân lên bằng cách ức chế enzyme sao chép ngược của chúng. Nhóm thuốc này bao gồm abacavir, lamivudine, zidovudine…
  • NNRTI (Non-Nucleoside Reverse Transcriptase Inhibitors): Làm mất chức năng enzyme sao chép ngược của virus bằng cách thay đổi cấu trúc của enzyme này, khiến virus không thể nhân lên. Nhóm thuốc này bao gồm delavirdine, efavirenz, nevirapine…
  • Ức chế enzyme protease: Cần thiết cho sự lắp ráp và hình thành virus HIV mới. Từ đó làm rối loạn cấu trúc của virus và khiến chúng không thể nhân lên. Nhóm thuốc này bao gồm atazanavir, lopinavir, saquinavir…

Cách phòng ngừa bị AIDS hiệu quả

Đời sống tình dục càng thoải mái thì nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS là rất cao. Các chuyên gia khuyến cáo nên tự bảo vệ mình trước virus HIV bằng những cách sau:

  • Quan hệ tình dục an toàn có sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ phù hợp.
  • Không quan hệ với nhiều đối tượng, hoặc với những đối tượng không biết rõ.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn máu lạ. Nếu vô tình tiếp xúc, cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý.
  • Không sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.
  • Tránh đến những nơi có nhiều người nghiện ngập.
  • Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.

Một số câu hỏi thường gặp về bệnh AIDS

1. Chương trình điều trị ARV có tác dụng phụ không?

Điều trị bằng ARV có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, và rối loạn giấc ngủ. Đây là những tác dụng phụ của thuốc kháng virus (ARV). Tuy nhiên, các tác dụng phụ này có thể được kiểm soát bằng cách điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi thuốc.

2. Có thể điều trị AIDS khỏi bệnh không?

AIDS không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều trị theo chương trình ARV có thể kiểm soát virus HIV, giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ lâu hơn.

3. Có những con đường không lây truyền bệnh AIDS nào?

AIDS không lây truyền qua các con đường như:

  • Tiếp xúc thông thường: Ôm, bắt tay, hôn môi…
  • Ăn uống chung, dùng chung vật dụng ăn uống như muỗng, đũa, chén…
  • Sử dụng chung nhà vệ sinh.
  • Nước bọt, nước mắt, và mồ hôi.
  • Không khí.
  • Muỗi, ve, hoặc các loại côn trùng khác.

4. Phụ nữ có nên mang thai khi nghi ngờ mắc bệnh AIDS không?

Phụ nữ không nên mang thai khi nghi ngờ bản thân mắc HIV/AIDS. Nếu có nhiễm HIV thì phải điều trị ngay giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho con.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *